Chàng trai gác bằng cử nhân công nghệ thông tin về quê bán rau rừng

08/05/2024 13:30 GMT+7

Gác tấm bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế, chàng trai xứ Quảng về vùng cao huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) để đưa rau rừng (rau lủi) xuống phố và giúp đỡ bà con.

Từ bỏ công việc với mức lương cao

Sau 4 năm làm việc cho một công ty của Nhật Bản, với mức lương ổn định gần 15 triệu đồng mỗi tháng, đến năm 2021, anh Nguyễn Phước Tây (31 tuổi), ngụ tại tỉnh Quảng Nam trở về vùng cao huyện Nam Trà My để làm thiện nguyện và giúp bà con tiêu thụ rau rừng. Chia sẻ về lý do bỏ phố về rừng, anh Tây cho biết một phần vì công việc áp lực, hơn nữa tuổi trẻ muốn trải nghiệm nhiều nên quyết định nghỉ việc.

Anh Tây từ bỏ công việc lương cao để về quê bán rau rừng

Anh Tây từ bỏ công việc lương cao để về quê bán rau rừng

NVCC

Sinh ra ở huyện Quế Sơn, nhưng lại chọn gắn bó với vùng đất Nam Trà My, anh Tây kể: “Trong một lần lên huyện Nam Trà My làm thiện nguyện, mình gặp một số bà con mang rau rừng đi bán nhưng bị ép giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Lúc đầu, mình chỉ giúp thu gom rau của bà con và đăng lên mạng bán giúp với giá cao hơn gấp đôi. Sau này, khi số lượng rau được đặt mua càng nhiều, mình mới mở rộng việc buôn bán”.

Ban đầu, từ vài kg đến bây giờ anh Tây đưa hàng tấn rau lủi mỗi tháng ra Đà Nẵng tiêu thụ cho bà con. Vì số lượng rau được đặt mua ngày càng nhiều nên anh khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng để có nguồn cung ổn định. Hiện tại, anh cũng có 2 vườn rau rừng dự phòng khoảng 2 ha. Anh Tây kể, thời gian đầu phải vượt hàng trăm cây số bằng xe máy chở từng bó rau rừng xuống phố. Sau này, khi đơn hàng nhiều hơn thì anh Tây gửi bằng xe tải.

Chàng trai xứ Quảng luôn vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

Chàng trai xứ Quảng luôn vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

NVCC

Ngoài rau lủi, các sản phẩm từ rừng như: chuối, mật ong, gạo đỏ… cũng được anh Tây thu mua của bà con với giá cao và đưa xuống phố bán. Công việc buôn bán ngày càng ổn định, nhờ anh mà bà con có thu nhập khá hơn. Đồng thời, lợi nhuận từ việc bán rau cũng được chàng trai 9X trích ra để làm các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bà con. Dù thu nhập không bằng mức lương khi đi làm ở công ty nhưng anh Tây lại rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Vì được tự do làm điều mình thích, giúp ích một phần nào đó cho bà con quê hương.

Tốt nghiệp đại học, từng có công việc với mức lương mơ ước nhưng lại về quê gắn bó ở một nơi còn nhiều khó khăn nên thời gian đầu anh Tây phải chịu nhiều lời đàm tiếu của xóm làng và sự phản đối của gia đình. “Người ta cứ nói là đi học nhiều cho tốn tiền rồi về quê không có công việc ổn định. Tuy nhiên, sau này khi biết những việc mình làm rồi thì họ cũng hiểu cho”, anh Tây nói. Bản thân anh Tây cũng thú thật rằng nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy tiếc tấm bằng đại học nhưng chưa bao giờ hối hận.

Mang niềm vui đến cho bà con vùng cao

Không chỉ giúp bà con tìm đầu ra cho rau rừng mà anh Tây còn phối hợp với các mạnh thường quân làm nhiều việc khác để giúp đời sống của người dân nơi đây bớt cơ cực hơn. “Ở đây, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, vất vả mình không thể làm ngơ. Vì vậy, mình mới ở lại Nam Trà My, mong muốn mang lại điều gì đó có thể giúp bà con thay đổi cuộc sống”, anh Tây chia sẻ.

Chàng trai gác bằng cử nhân công nghệ thông tin về quê bán rau rừng- Ảnh 3.
Chàng trai gác bằng cử nhân công nghệ thông tin về quê bán rau rừng- Ảnh 4.

Anh Tây tặng quà và mang điện đến cho người dân vùng cao

NVCC

Hơn 2 năm cùng sinh sống với người dân nơi đây, anh Tây đã làm rất nhiều việc có ích như: mang nước sạch và điện năng lượng mặt trời về cho bà con; tặng dụng cụ lao động, đồ sinh hoạt, nhu yếu phẩm. Song song đó là kết nối với các đoàn thiện nguyện để lên giúp đỡ bà con; nấu ăn cho các em tại nhiều điểm trường còn khó khăn ở huyện Nam Trà My. Vì chân chất, thật thà lại hết lòng vì bà con vùng cao nên anh Thanh được người dân ở đây quý mến.

Anh Tây nấu những bữa ăn ngon cho các em học sinh

Anh Tây nấu những bữa ăn ngon cho các em học sinh

NVCC

Gia đình từng được chàng trai này giúp đỡ và cùng anh nấu ăn cho học sinh tại điểm Trường Mô Rỗi, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, chị Nguyễn Thị Liễu chia sẻ: “Tôi là người dân ở đây và phụ trách việc nấu ăn cho học sinh tại Trường Mô Rỗi. Thỉnh thoảng Tây lại đến trường nấu ăn và tặng quà cho các em. Bà con ở đây cũng được Tây giúp đỡ rất nhiều, nào là thu mua rau lủi, tặng quà, bắt điện. Thật sự tôi rất biết ơn cậu ấy, một chàng trai thật thà và tốt bụng”.

Từ bỏ cuộc sống nhiều tiện nghi rồi về ở một nơi điều kiện còn nhiều thiếu thốn, lại không có người thân, bạn bè nên để thích nghi được cũng chẳng dễ dàng gì với anh. Chàng trai xứ Quảng kể thời gian đầu chưa quen nên bị dị ứng với nước, đường đi vào mùa mưa lại vô cùng vất vả, từng nhiều lần bị té xe. Dù vất vả, thiếu thốn nhưng anh Tây chưa bao giờ muốn từ bỏ. “Nếu bỏ cuộc thì mình đã bỏ lâu rồi, chẳng ngại khó khăn chỉ sợ không có sức khỏe để giúp bà con. Mình cũng chẳng tài giỏi gì nên khả năng tới đâu thì giúp bà con đến đó”, anh Tây bày tỏ.

Anh Tây cho biết việc đi lại ở vùng núi vào mùa mưa vô cùng vất vả

Anh Tây cho biết việc đi lại ở vùng núi vào mùa mưa vô cùng vất vả

NVCC

Sẽ còn gắn bó lâu dài với vùng đất này nên trong tương lai anh Tây ấp ủ dự định mang hạt giống lên để hướng dẫn bà con trồng trọt, có thêm nguồn thu nhập và phát triển kinh tế lâu dài. “Nếu cứ mang quà đến cho họ thì nó không được bền vững, mình mong muốn làm điều gì đó giúp bà con được lâu dài hơn”, anh Tây cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.