Từng được kỳ vọng đưa trật tự lòng lề đường vào nền nếp, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân cũng như mang về khoản thu đáng kể cho ngân sách, nhưng việc thu phí vỉa hè theo Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM vừa chậm, vừa thiếu hiệu quả. Trong khi đó, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm tràn lan, thậm chí bị "xẻ thịt" để trục lợi.
CHỈ 6 QUẬN THU PHÍ
Từ tháng 5.2024, Q.1 là địa phương đầu tiên ở TP.HCM triển khai thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông (gọi chung là thu phí vỉa hè). Ban đầu, Q.1 chỉ thí điểm tại 11 tuyến đường và 5 tháng sau, mở rộng thêm 41 tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tính đến ngày 28.3.2025, có 602 trường hợp đã đóng phí hơn 3 tỉ đồng, tổng diện tích đang khai thác, sử dụng hơn 6.553 m2, thời gian đăng ký trung bình 6 tháng.
Vỉa hè đường Hải Triều (Q.1, TP.HCM) gọn gàng hơn khi tổ chức thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè từ tháng 5.2024
Ảnh: Sỹ Đông
UBND Q.1 cho biết người dân rất ủng hộ quy định thu phí vỉa hè. Việc sử dụng một phần vỉa hè làm nơi để xe, điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa mang lại hiệu quả tích cực về mỹ quan đô thị và kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời vẫn đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ được thông suốt, an toàn. Sau gần 1 năm triển khai, UBND Q.1 nhìn nhận quy định này phù hợp với đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM nói chung và Q.1 nói riêng. Quyết định 32 giúp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, khai thác thêm giá trị kinh tế từ vỉa hè, giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan quản lý và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo Sở GTCC TP.HCM (trước đây là Sở GTVT), kế hoạch thu phí vỉa hè, lòng đường được UBND TP.HCM ban hành từ tháng 7.2023, nhưng đến tháng 3.2025, chỉ có 6/22 quận, huyện triển khai cấp phép, thu phí gồm quận 1, 3, 4, 8, 10 và 12. Tính đến nay, tổng số phí thu được trên toàn TP.HCM là khoảng 7 tỉ đồng. Trong đó, Sở GTCC thu khoảng 2,5 tỉ đồng từ các hoạt động văn hóa, trạm xe đạp, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt; 6 quận thu phí khoảng 4,5 tỉ đồng cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình trên vỉa hè.
Cát cứ thu phí đỗ xe ‘lụi’ - Kỳ 1: Bãi xe mặt đất, mức giá trên trời
Cũng cần nhắc lại thời điểm trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về mức phí, Sở GTCC tính toán có thể thu phí nộp về ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng mỗi năm. Hiện toàn TP.HCM có 4.869 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó có 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, 1.342 tuyến đường vỉa hè rộng dưới 3 m, hơn 50% tuyến đường không có vỉa hè. Với yêu cầu dành tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ, TP.HCM chỉ xem xét thu phí vỉa hè với tuyến đường rộng hơn 3 m, tương ứng hơn 27% tổng số tuyến đường toàn địa bàn.
Vỉa hè đường Tên Lửa (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) khá rộng rãi nên địa phương đề xuất tổ chức thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè
Ảnh: Sỹ Đông
Vỉa hè đường số 7 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) được đề xuất tổ chức thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè
Ảnh: Sỹ Đông
VÌ SAO DỪNG THU PHÍ ?
Dù cơ sở pháp lý đã đầy đủ nhưng có tới 16 quận, huyện và TP.Thủ Đức chưa thu phí vỉa hè trên thực tế. Trả lời PV Báo Thanh Niên, một lãnh đạo UBND Q.5 cho biết đã triển khai xuống các phường nhưng chưa thu phí thực tế vì "có nhiều vấn đề". Cụ thể, hiện Sở GTCC đang tham mưu UBND TP.HCM bãi bỏ Quyết định 32 năm 2023 và trình HĐND TP.HCM sửa đổi Nghị quyết 15/2023 về mức phí.
"Quận dự kiến thu phí một lần cho thời gian sử dụng 3 tháng, 6 tháng. Nếu quận thu trước rồi các quyết định, nghị quyết thay đổi trong tháng 4.2025 thì khoản tiền đã thu sẽ khó xử lý", lãnh đạo Q.5 giải thích. Do vậy, Q.5 đang tạm dừng để chờ chỉ đạo mới từ UBND TP.HCM, nếu vẫn tiếp tục thu phí thì quận sẽ triển khai xuống các phường.
Tại Q.Bình Tân, lãnh đạo Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị, cho biết quận đã gửi Sở GTCC hồ sơ về việc triển khai thu phí tạm thời vỉa hè đối với một số tuyến đường như Tên Lửa, Vành Đai Trong, Kinh Dương Vương, đường số 7... Đây là những tuyến đường vỉa hè rộng, người dân có nhu cầu sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh, buôn bán và sẵn sàng trả phí để sử dụng thêm diện tích. Tuy nhiên, hiện Sở GTCC gửi văn bản đề nghị các quận, huyện dừng triển khai thu phí tạm thời vỉa hè, lòng đường nên Q.Bình Tân phải dừng lại.
Tương tự, tại Q.Bình Thạnh, từ tháng 10.2024, UBND quận ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng một phần vỉa hè để tổ chức hoạt động ngoài mục đích giao thông. Địa phương này thí điểm thu phí vỉa hè làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa ở 3 tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Gia Trí và Lê Văn Duyệt, từ ngày 1.11.2024 - 1.5.2025. Dù vậy, việc thu phí phải dừng lại vì Nghị định 165/2024 của Chính phủ không có quy định sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa hoặc lắp đặt công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng.
VẪN THU PHÍ BẰNG ĐỀ ÁN RIÊNG
Trong khi các địa phương cho rằng quy định thay đổi thì Sở GTCC TP.HCM thẳng thắn chỉ ra nhiều quận, huyện chưa triển khai tốt bởi quy định quản lý, thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè đã được ban hành từ tháng 7.2023. Việc này có thể tạo một số dư luận đối với công tác quản lý như thiếu minh bạch, gây thất thoát, lãng phí tài sản, tạo sự mất công bằng với tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định.
Mặt khác, chính quận, huyện chưa quyết liệt trong công tác thường xuyên tuần tra, xử lý dứt điểm tình trạng tụ tập, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ, giữ xe dừng đỗ sai quy định. Công tác phối hợp góp ý kiến, ban hành danh mục, cung cấp thông tin tình hình thực hiện giữa địa phương với Sở GTCC còn chậm, thiếu chủ động...
Theo UBND Q.1, việc bãi bỏ Quyết định 32/2023 của UBND TP.HCM là phù hợp với quy định tại luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 165/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên, địa phương này đề xuất xem xét duy trì, phát triển các kết quả tích cực từ việc thu phí vỉa hè trong thời gian qua.
Cát cứ thu phí đỗ xe ‘lụi’ - Kỳ 2: Vạch trần
Sở GTCC cho biết một số hoạt động được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè theo Nghị định 165/2024 của Chính phủ gồm: để xe 2 bánh không thu phí; tổ chức đám tang, đám cưới; hoạt động văn hóa, thể thao; trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, rác sinh hoạt; trông giữ xe có thu phí.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở GTCC phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển và các đơn vị rà soát, báo cáo việc xây dựng đề án khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Ông Cường cũng yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè sai mục đích. (còn tiếp)
Cơ quan chức năng vào cuộc sau phản ánh của Báo Thanh Niên
Sau khi các bài viết đầu tiên trong loạt điều tra Cát cứ thu phí đỗ xe "lụi" được đăng trên Thanh Niên các số ra ngày 3, 4.4, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý tình trạng chiếm vỉa hè, lòng lề đường để tổ chức giữ xe trái phép. Lãnh đạo các quận liên quan yêu cầu địa phương sớm có báo cáo, làm rõ vụ việc.
Sáng 4.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại đường Phạm Hữu Chí (P.12, Q.5) không còn tình trạng lập bãi giữ xe trái phép, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ trong khi lòng đường Mạc Thiên Tích (P.11, Q.5) vắng bóng ô tô. Ngoài ra, lãnh đạo UBND P.11 cho hay cơ quan chức năng xử phạt hơn 27,5 triệu đồng đối với các hành vi đậu đỗ ô tô không đúng quy định trên đường Mạc Thiên Tích, Tản Đà, Đặng Thái Thân; công an truy xét 6 đối tượng có liên quan; phạt 2 bãi xe trái phép, mỗi trường hợp 12,5 triệu đồng.
Tại Q.3, cơ quan chức năng lập biên bản xử lý chủ bãi giữ xe tại khu vực hồ Con Rùa trong khi lực lượng Thanh niên xung phong túc trực, phối hợp chính quyền địa phương xử lý tình trạng tổ chức, cá nhân thu phí đỗ xe sai quy định tại các đường Phan Chu Trinh, Nguyễn Cư Trinh, Đông Du, Thủ Khoa Huân (Q.1)...
Trần Duy Khánh - Trần Kha
Đề xuất thu phí đậu xe ô tô dưới lòng đường
Từ tháng 8.2018, TP.HCM bắt đầu thu phí đỗ xe ô tô theo giờ tại 23 tuyến đường thuộc Q.1, Q.5 và Q.10, mức phí 20.000 - 25.000 đồng/giờ và lũy tiến các giờ tiếp theo. Đến nay, số tuyến đường cho đỗ xe ô tô có thu phí giảm còn 20 tuyến với 879 ô đậu xe. Đơn vị tổ chức thu phí là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM.
Thống kê của Sở GTCC từ tháng 12.2020 - 10.2024 cho thấy số phí thu được là hơn 22 tỉ đồng nhưng chi phí cho công tác tổ chức thu phí đến hơn 24,3 tỉ đồng, tức vượt số thu khoảng 2,3 tỉ đồng. Riêng 2 năm gần đây, số phí thu về đã đủ bù chi.
Vấn đề thu phí đậu ô tô dưới lòng đường bị lỗ cũng được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ra tại phiên họp kinh tế - xã hội quý 1/2025 diễn ra ngày 2.4 vừa qua, đồng thời đề nghị Sở GTCC báo cáo giải pháp khắc phục.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC, cho biết việc thu phí thực hiện từ năm 2018 theo nghị quyết của HĐND TP.HCM. Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ thu phí, ứng dụng công nghệ tự động, thu đến khi đủ để bù các khoản chi sẽ chuyển sang hình thức mới.
Ông Lâm cho hay nguồn thu đã tăng dần lên kể từ khi thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, phía công ty báo cáo thu không đủ bù chi. Do đó, Sở GTCC cùng Sở Tài chính sẽ trao đổi lại với Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong về vấn đề hạch toán, số liệu thu chi.
Bình luận (0)