Nữ văn hào đoạt giải Nobel Văn chương 'trở lại' sau 20 năm cùng bộ tiểu thuyết

06/05/2024 08:20 GMT+7

Sau 2 thập kỷ, nữ nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương Pearl S. Buck sẽ trở lại với độc giả Việt qua 3 tác phẩm: 'Đất lành', 'Đời con' và 'Ly tán'.

Pearl S. Buck là nhà văn được giới phê bình và độc giả khen ngợi vì những mô tả mang tính đột phá về đời sống nông thôn Trung Hoa. Bà nổi tiếng trên toàn thế giới khi được trao giải Nobel Văn chương 1983. 

Sinh năm 1892 tại Hillsboro, West Virginia, Mỹ, nhưng hầu hết 40 năm đầu đời bà lại sinh sống ở Trung Quốc. Là con gái một nhà truyền giáo tại tỉnh Chiết Giang, bà nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung, đôi khi được người ta gọi bằng cái tên Trại Trân Châu. 

Sau quãng thời gian về Mỹ học đại học, bà trở lại Trung Quốc. Năm 1917, bà theo chồng đi truyền giáo tại miền Bắc Trung Quốc. Hai vợ chồng đến sống tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh An Huy, rồi chuyển tới Nam Kinh - nơi họ sống với nhau trong 13 năm.

Nữ văn hào đoạt giải Nobel Văn chương 'trở lại' sau 20 năm cùng bộ tiểu thuyết - Ảnh 1.

Nhà văn Pearl S.Buck

The Guardian

Giống như nhân vật Vương Long trong Đất lành, gia đình Pearl S. Buck đã nếm trải những giai đoạn hỗn loạn bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20. Giai đoạn trưởng thành tại đất nước này đã truyền cảm hứng cho văn nghiệp của bà, bắt đầu bằng việc xuất bản các bài tiểu luận và truyện ngắn trên tạp chí NationAtlantic Monthly trong những năm 1920. 

Tiểu thuyết đầu tay Gió đông, gió tây ra đời một năm trước Đất lành gây tiếng vang lớn. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết sau viết về cuộc đời thăng trầm của người nông dân Vương Long từ con người xuất thân khiêm nhường đến khi trở thành một địa chủ giàu có mới thực sự là bước đột phá. Tác phẩm là tập đầu tiên trong bộ 3 Đất lành (1931), Đời con (1933) và Ly tán (1935). Bộ 3 này được tôn vinh vì khơi gợi lên mối đồng cảm của thế giới phương Tây đối với Trung Quốc.

Đất lành đã bán được hàng triệu bản, trở thành sách bán chạy nhất tại Mỹ trong năm 1931 và 1932, được dịch sang hơn 30 thứ tiếng và nhanh chóng được chuyển thể thành kịch trên sân khấu Broadway và phiên bản điện ảnh ra mắt năm 1937. 

Cuốn tiểu thuyết đã giành được gần như mọi giải thưởng văn học vào thời điểm đó, gồm giải Pulitzer năm 1932, huy chương William Dean Howells cho tác phẩm hư cấu xuất sắc năm 1935, đưa tên tuổi Pearl S. Buck lên tầm cao mới. 

Lớn lên tại đây, thấu hiểu và yêu mến mảnh đất này, nét văn hóa độc đáo của Trung Quốc và tâm hồn nhạy cảm của bà là nền móng hoàn hảo cho Đất lành. Cuốn sách đúng như tên gọi, là câu chuyện về đất và người, về tình yêu và hy sinh, về giàu có và nghèo khổ, về dục vọng và giản đơn. 

Các dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Quang Huy chia sẻ: "Là câu chuyện về nông dân, được kể bằng giọng nông dân, vì thế ta sẽ không thấy các kỹ thuật hành văn phức tạp, chỉ có lời kể, kể và kể trong các tác phẩm này. Tự thân câu chuyện truyền tải ý nghĩa tới người đọc. Một câu chuyện trần trụi, về tình cảnh trần trụi, của một gia đình bé mọn, sống chết với đất và làm giàu từ đất".

Năm 2004, Đất lành trở lại danh sách bán chạy sau khi được người dẫn chương trình truyền hình Oprah Winfrey chọn cho Câu lạc bộ Sách của mình.

Nữ văn hào đoạt giải Nobel Văn chương 'trở lại' sau 20 năm cùng bộ tiểu thuyết - Ảnh 2.

Bộ 3 tác phẩm của Pearl S.Buck sắp quay lại với độc giả Việt Nam

Bình Books

Đời con tiếp nối Đất lành với sự biến chuyển thời cuộc. Nếu bối cảnh Đất lành là xã hội phong kiến triều Thanh khi Nho giáo còn tồn tại, các giá trị như hiếu đễ, trọng nam khinh nữ được đề cao, thì đến Đời con, những giá trị này dần bị phá bỏ. 

Nhân vật chính của Đời con là Vương Mãnh Hổ, từ đứa con căm hận cha, bỏ nhà ra đi, tự tìm đường sống riêng, giờ đây đã trở thành một lãnh chúa, tướng quân lừng lẫy, uy quyền một vùng. Song, cũng như tập đầu, tập kế tiếp này cũng có những mặt đối nghịch, giữa Mãnh Hổ và hai anh, giữa Mãnh Hổ và con trai Vương Nguyên – như một dấu chuyển sang cuốn Ly tán.

Trong khi đó các tình tiết trong Ly tán - tập 3 và tập cuối của bộ truyện - diễn ra trong thời kỳ hiện đại, đúng hơn là giai đoạn giao thời của xã hội Trung Quốc khi các giá trị xã hội cũ không còn, các giá trị xã hội mới đang thành hình. 

Theo các dịch giả, tập này "có lẽ gần gũi nhất với bạn đọc ngày nay, bởi nó đầy ắp những đối nghịch do thời cuộc, do khoảng cách thế hệ, được khắc họa đậm nét, tinh tế, nhiều chỗ rất xúc động dẫu mông lung y như tuổi trẻ chênh vênh giữa ngã ba cuộc đời này. Song rốt cuộc, cái đọng lại không phải là đúng sai trong cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới, giữa thế hệ trước và thế hệ sau... mà là TÌNH NGƯỜI".

Sau Đất lành, Buck vẫn tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm khác, đề cập tới muôn mặt đời sống của đất nước đang thay da đổi thịt này. Là một người Mỹ lớn lên trên đất Trung Hoa, tác phẩm của Buck khai thác nhiều điểm khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại, và thường khắc họa kiếp sống lầm than của tầng lớp dưới đáy trước những biến động xã hội.

Nữ văn hào đoạt giải Nobel Văn chương 'trở lại' sau 20 năm cùng bộ tiểu thuyết - Ảnh 3.

Ảnh minh họa trong sách

Bình Books

Năm 1973, bà mất vì ung thư phổi ở Vermont. Theo lời cố Thủ tướng Chu Ân Lai, Pearl S.Buck là "người bạn của nhân dân Trung Hoa". Ngôi nhà cũ bà từng sống ở Triết Giang giờ trở thành bảo tàng vinh danh di sản của bà. Bên cạnh việc sáng tác, bà cũng là người giới thiệu tuyệt tác Thủy Hử đến thế giới phương Tây.

Với sự nghiệp sáng tác chói sáng của mình, Pearl S.Buck được trao giải Nobel Văn chương năm 1938 và là người phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt được giải thưởng danh giá này, vì "những miêu tả chân thực và đặc sắc về cuộc sống nông dân Trung Quốc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.