Hoài niệm Sài Gòn xưa qua 3 di sản kiến trúc nổi tiếng

26/08/2022 13:50 GMT+7

Trụ sở UBND TP.HCM, Bưu điện Thành phố và Nhà hát Thành phố là 3 trong 9 di sản kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách. Đây cũng là những chứng nhân lịch sử của thành phố mang tên Bác.

Trụ sở UBND TP.HCM

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, năm 1862, Thống đốc Quân sự - Đại tá Hải quân Jean Bernard Jauréguiberry (tạm thay quyền Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly) ký Nghị định quy hoạch Sài Gòn. Năm 1867, Thống đốc Quân sự - Chuẩn Đô đốc Pierre-Paul Marie de La Grandière cho bầu Hội đồng thành phố. Ngày 8.1.1877, Nghị định thành lập Hội đồng thành phố Sài Gòn được ban hành.

UBND TP.HCM thời Pháp thuộc được gọi là Dinh Xã Tây

ẢNH TƯ LIỆU

Năm 1871, chính quyền Pháp dự định xây dựng một văn phòng chính thức cho Hội đồng thành phố. Sau nhiều lần tranh cãi về địa điểm và hai lần tổ chức thi đồ án thiết kế, đồ án của kiến trúc sư Femand Gardès đã được chọn. Năm 1898, tòa nhà được khởi công xây dựng tại vị trí cuối đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay).

Năm 1909, tòa nhà Hội đồng thành phố được khánh thành với sự tham dự của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước. Sáng 25.8.1945, hàng trăm nghìn người với cờ, hoa, biểu ngữ... đã tập trung trước Dinh Xã Tây và khu vực xung quanh để chào mừng lễ ra mắt của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ.

Từ sau năm 1954 đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn đặt chức Đô trưởng để quản lý thành phố, sử dụng Dinh Xã Tây làm trụ sở nên dinh được đổi tên thành Tòa Đô chính. Sau ngày 30.4.1975, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở HĐND và UBND TP.HCM.

Trụ sở UBND TP.HCM có bề ngang rộng đến 30m, nhìn thẳng ra đường Nguyễn Huệ. Trước kia phía trước tòa nhà là một bãi cỏ rộng, nơi ban nhạc của Hải quân Pháp thường biểu diễn cho công chúng xem, nay là vườn hoa có đặt tượng Bác Hồ và bia lưu niệm sự kiện công bố Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ. Phần chính giữa tòa nhà là ngọn tháp nhô cao, hai bên có tầng mái cân đối. Đây là kiểu kiến trúc thường thấy ở Miền Bắc nước Pháp.

Trên đỉnh tháp treo quốc kỳ, phía dưới có chiếc đồng hồ tròn. Chính giữa tháp đắp nổi bức phù điêu hình một nữ thần, hai thiên thần nhỏ cùng các con thú. Trên mặt tiền mỗi tầng tháp gắn tượng hai nữ thần tay cầm thanh gươm, chung quanh là những sản vật địa phương.

Trụ sở UBND TP.HCM hiện nay vẫn là 1 trong những điểm "check-in" nổi tiếng của du khách khi tới TP.HCM

Qua gần một trăm năm tồn tại, dáng vẻ bên ngoài tòa nhà vẫn luôn được bảo tồn nguyên nét ban đầu, bên trong có vài cải tạo, thay đổi nhỏ. Những năm 1990, nhiều trụ đèn được lắp đặt để chiếu sáng bên ngoài tòa nhà. Năm 2005, trong quan hệ hợp tác với TP.HCM, các chuyên gia ánh sáng của thành phố Lyon đã thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật làm cho tòa nhà càng thêm rực rỡ.

Trụ sở UBND TP.HCM là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20. Năm 2020, công trình được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, nằm ở số 86 đường Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Bưu điện Thành phố

Đây là công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu nghệ thuật cuối thế kỷ 19, có diện tích 26.000 m2 được khởi công xây dựng vào 14.11.1886 và hoàn thành năm 1891. Bưu điện do 2 kiến trúc sư người Pháp Alfrend Foulhoux, Henri Auguste Vildieu thiết kế theo phong cách baroque và cổ điển châu Âu.

Vòm mái bằng thép bên trong và các vật liệu bằng thép sử dụng trong công trình do công ty Gus-tave Eiffel thiết kế và sản xuất. Từ khi xây dựng đến nay, tòa nhà chính vẫn được giữ nguyên thiết kế ban đầu.

Bưu điện TP.HCM trước năm 1975

ẢNH TƯ LIỆU

Đặc điểm nổi bật của tòa nhà được kiến trúc sư thiết kế bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính nghệ thuật cao. Bưu điện Thành phố là tòa nhà ba tầng: hầm, trệt và lầu, có bố cục cân đối, đối xứng nhau qua trục trung tâm. Tầng hầm là văn phòng làm việc của nhân viên bưu điện. Trục trung tâm của tòa nhà gồm có tiền sảnh, đại sảnh ở tầng trệt được thiết kế thông tầng, tầng trên là phòng làm việc được xây nhô cao hơn so với hai khối nhà ở hai bên. Mặt tiền tầng lầu được trang trí kết hợp với phong cách kiến trúc bản địa và Phương Tây.

Khu vực giữa tiền sảnh, tên 35 nhà bác học - danh nhân như: Volta, Ampère, Ohm, Watt, Bell, Morse,... được ghi trên những tấm sứ tráng men có hoa văn trang trí.

Mặt trước tiền sảnh tòa nhà, hai bên là hai tượng đài, bên trái là tượng đài Chiến sỹ Giao bưu - Thông tin thời kỳ kháng chiến, bên phải là tượng Bưu điện thời kỳ phát triển hiện đại - đây là công trình chào mừng Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM (1698 - 1998).

Bưu điện TP.HCM là điểm đến yêu thích của các du khách nước ngoài

KHẢ HÒA

Hơn trăm năm, toàn bộ khối kiến trúc tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn, giữ được tầm vóc của một công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật tráng lệ độc đáo. Công tác giữ gìn bảo quản, duy tu vẫn được thực hiện thường xuyên, không làm thay đổi nguyên trạng kiến trúc nhằm bảo tồn, phát huy sự hấp dẫn của khối kiến trúc cổ tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ 19 của Thành phố và của quốc gia. Địa chỉ: Số 2 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Nhà hát Thành phố

Nhà hát Thành phố có diện tích 2.016m2. Năm 1863, để giúp vui cho quân viễn chinh, một đoàn diễn viên từ Pháp sang biểu diễn tại nhà của thủy sư đô đốc Bonard ở công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge, khu vực Nguyễn Du, Đồng Khởi ngày nay)

Đến năm 1898, theo lệnh của thống soái Hoeffet, một nhà hát được khởi công xây dựng. Công trình do nhóm của kiến trúc sư Eugène Feret thiết kế, công ty Ernest Guichard thi công mang phong cách kiến trúc Baroque.

Mặt tiền nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của nhà hát Petit Palais được xây cất cùng năm tại Paris. Ngày 1.1.1900, nhà hát được khánh thành. Nhà hát được xây dựng tại khu vực đẹp nhất Sài Gòn lúc bấy giờ và được đánh giá là công trình văn hóa tiêu biểu và tốn kém nhất Sài Gòn thời Pháp thuộc.

Năm 1902, nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn vận động một số nhóm nghệ sĩ ở Pháp sang trình diễn. Đoàn nghệ sĩ thường biểu diễn liên tục trong 6 tháng vào các ngày thứ 3,5,7 và chủ Nhật rồi về Pháp, 6 tháng sau quay trở lại.

Nhận thấy nhà hát bỏ không sẽ uổng phí nên toàn quyền Albert Sarraut cho người Việt Nam thuê. Buổi trình diễn đầu tiên của người Việt Nam tại nhà hát là vào đêm 16.11.1918 do các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Lê Quang Liêm, Đặng Thúc Liêng... đứng ra tổ chức.

Nhà hát Thành phố được đánh giá là công trình văn hóa tiêu biểu và tốn kém nhất Sài Gòn thời Pháp thuộc

ẢNH TƯ LIỆU

Năm 1943, mặt chính diện nhà hát được cải tạo để phù hợp với diện mạo chung hiện đại của khu trung tâm Sài Gòn theo quy hoạch mới. Sau đó 1 năm, Nhật nắm chính quyền, quân đồng minh tấn công quân Nhật đã làm hư một phần mái hướng Bắc.

Sau ngày 30.4.1975, nhà hát được trả lại đúng chức năng ban đầu, không chỉ là nơi thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật, nhiều sự kiện liên quan lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được tổ chức tại nhà hát.

Năm 1998, nhân Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, Sở Văn hóa Thông tin Thành phố đã thực hiện trùng tu toàn bộ nhà hát, phần lớn tượng, phù điêu được phục chế. Sau đó, Tập đoàn Lion của Pháp đã lắp đặt lại hệ thống âm thanh, ánh sáng cho nhà hát và cả hệ thống chiếu sáng nghệ thuật vào ban đêm.

Nhà hát TP.HCM đã được xây dựng gần 120 năm

NGỌC DƯƠNG

Nhà hát Thành phố được xem là nhà hát đa năng, thường xuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật, chương trình biểu diễn hòa nhạc, đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn của Thành phố. Ngoài ra, chủ nhật hàng tuần, chương trình hòa tấu nhạc kèn thường xuyên được tổ chức tại khu vực trước tiền sảnh nhà hát.

Năm 2021, Nhà hát Thành phố được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Địa chỉ: Số 7 Công trường Lam Sơn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.