Giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn để bầu làm Chủ tịch Quốc hội

19/05/2024 06:43 GMT+7

Theo thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng, ngày 18.5, tại Văn phòng T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc cùng các lãnh đạo chủ chốt. Tham dự cuộc họp còn có Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Chánh văn phòng T.Ư Đảng Lê Minh Hưng.

Theo Văn phòng T.Ư Đảng, phiên họp lãnh đạo chủ chốt diễn ra ngay sau khi bế mạc Hội nghị T.Ư 9 khóa XIII, để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận Hội nghị T.Ư 9 đã đề ra. Đây là cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị T.Ư 9 đã thông qua một số nội dung quan trọng và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20.5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các lãnh đạo chủ chốt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các lãnh đạo chủ chốt

TTXVN

Tại phiên họp, Tổng Bí thư chúc mừng việc T.Ư thống nhất rất cao giới thiệu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Các lãnh đạo chủ chốt đánh giá trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII và nửa đầu năm 2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; đặc biệt tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề đột xuất phát sinh; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả tích cực.

Tiểu sử và quá trình công tác của đại tướng Tô Lâm

Về một số công việc trọng tâm trong thời gian tới, các lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta đang và sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy yêu cầu rất quan trọng là cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà trước hết là trong T.Ư Đảng, lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thật sự đoàn kết, thực sự gương mẫu, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung.

Cụ thể là cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình làm việc năm 2024 của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Khẩn trương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của T.Ư, sớm hoàn chỉnh đề cương chi tiết, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng để trình Hội nghị T.Ư 10; khẩn trương ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện ở các cấp ủy, tổ chức Đảng bảo đảm chặt chẽ, sát thực.

Cùng đó, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng, ưu tiên, thúc đẩy và tổ chức chu đáo các sự kiện đối ngoại trong và ngoài nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Làm tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tiểu sử, quá trình công tác của ông Trần Thanh Mẫn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.